Le Thang Long vào 5 tháng 3 2013 lúc 9:58
Hôm nay tôi tiếp tục lên phường làm việc về chấp hành quản chế hàng tháng theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
Ngay từ đầu, buổi làm việc với thành phần của phường gồm ủy ban và công an, họ đã hỏi tôi về bản tường trình các việc trong tháng trong khi họ đã có một mẫu báo cáo hàng tháng lâu nay mà tôi phải điền vào. Tôi trả lời không đồng ý viết tường trình gì hết. Họ đừng ép người quá đáng.
Ngay sau đó, anh an ninh quận và cô phó chủ tịch phường đi vào trong để trao đổi với lãnh đạo phường và nhóm an ninh thành phố. Một lát sau, cô phó chủ tịch ủy ban lại ra làm việc tiếp buổi kiểm điểm như thường lệ, anh an ninh quận cũng vào theo. Cuối buổi kiểm điểm, cô phó chủ tịch lên giọng nói là: "anh Long cần phải tuân thủ quy định pháp luật về quản chế. Cẩn thận không được gặp các 'đối tượng' để vi phạm pháp luật", cô ấy kéo dài chữ đối tượng, làm như là tôi thường xuyên gặp tội phạm, hic. "Không được tiếp tục có những bài viết trên Internet vi phạm pháp luật. Nếu tiếp tục như trước đây, như anh đã bị kết án, chúng tôi sẽ tìm bằng chứng và có những biện pháp ngăn chặn."
Tôi trả lời họ, khẳng định những điều dưới đây, cũng là những gì tôi đã nói với các sĩ quan an ninh và ủy ban phường trong các buổi làm việc trước:
1/ Tôi khẳng định cương quyết và chứng minh rằng mình không phạm tội nhưng đã bị kết tội sai trái trong vụ án trước. Yêu nước là tội? Chỉ có sự chà đạp pháp luật đã biến người yêu nước thành có tội trong quá trình điều tra, xét xử. Tôi thừa biết rằng họ muốn chúng tôi phải ở lâu trong tù để họ bịt miệng những người dám lên tiếng, dám dấn thân vì tương lai dân tộc. Do đó, một mặt anh Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục chịu đựng đấu tranh đến cùng, cương quyết không nhận tội để chứng minh những sai trái của những kẻ cường quyền lạm dụng quyền lực. Mặt khác tôi phải xin khoan hồng vào phút cuối cùng ở phiên tòa phúc thẩm và tiếp tục phải nhận tội trong tù để ra sớm được 2 năm so với bản án sơ thẩm nhằm tiếp tục con đường chúng tôi đã chọn - Con đường Việt Nam. Nhờ đó mà tôi đã phát động được phong trào Con đường Việt Nam. Sau 8 tháng đã đã đấy lên những đòi hỏi, yêu cầu bảo vệ quyền con người rất mạnh mẽ; những sự lên tiếng đối với sai trái và bất công; và những vận động tự do để giải thoát những người yêu nước đang bị tù đày, hãm hại. Đồng thời cũng để được ở bên cạnh người mẹ lâm bệnh nặng, mòn mỏi cố sống sót chờ con mình trở về. Cuối cùng tôi đã kịp về để được bên cạnh mẹ 6 tháng, chăm sóc bà những ngày cuối đời để mẹ tôi và tôi được cảm nhận những giờ phút của tình mẫu tử thiêng liêng.
Sự thật là mẹ tôi đã bị bệnh ngày càng nặng, bà tôi đã phải bị tổn hại sức khỏe rồi ra đi mãi và những khổ nạn mà đại gia đình tôi đã phải hứng chịu trong thời gian qua là do nguyên nhân của việc tôi bị bịt miệng trong tù, từ sự công nhiên sai trái của những kẻ đang cầm quyền lực và nắm pháp luật trong tay.
2/ Những gì tôi đang làm không hề vi phạm pháp luật, đạo lý. Tôi đang tiếp tục con đường xây dựng và bảo vệ đất nước thân yêu của mình chống lại những sai trái, lạm quyền, để xây dựng một nước Việt Nam thật sự dân chủ và giàu mạnh. Việc làm yêu nước, đúng đắn như thế không thể bị kết tội. Kẻ nào dám kết tội thì chính kẻ đó mới là những kẻ phạm tội với đất nước, nhân dân. Tôi yêu cầu họ đưa ra bằng chứng buộc tội tôi. Và nếu muốn, nếu thích họ hãy khởi tố và truy tố tôi ra tòa. Tôi yêu cầu họ làm đúng luật chứ không được quy kết, chụp mũ, vu khống để mọi người, nhân dân hiểu lầm rồi bắt giữ người ta, bịt miệng người ta và xử trong một tòa án họ muốn đạo diễn như thế nào thì nó ra như thế - như hàng loạt vụ án gọi là vi phạm an ninh quốc gia trongthời gian qua.
Nghe vậy cô phó chủ tịch phường vội thanh minh không phải là chụp mũ mà chỉ nói để phòng ngừa. Sau đó, họ kết thúc phần kiểm điểm hàng tháng về quản chế.
Tôi định về thì kịch bản cũ lại diễn ra. Ba anh an ninh thành phố đã chờ sẵn bên ngoài bước vào. Anh an ninh quận và anh công an khu vực ở lại, nói tôi ở lại làm việc tiếp (như mọi lần trước đây). Lần này số lượng có ít hơn và không có máy quay phim đầy đe dọa, như một số lần trước. Các anh định làm việc tiếp nhưng tôi tuyên bố hôm nay là 49 ngày mất của bà ngoại tôi. Nên tôi phải về nhà lo cúng bà. Chắc đã biết và trao đổi trước với phó chủ tịch phường về thái độ cương quyết của tôi nên các anh đành ngồi nói chuyện lịch sự và để tôi ra về, không dám giữ tôi lại như những lần trước. Ba lần trong 3 tháng trước, những người an ninh này đã áp lực buộc tôi phải tuyên bố từ bỏ hoặc giải tán phong trào Con đường Việt Nam thì mới cho tôi về. Trong khi những lúc đó họ biết mẹ tôi đang nguy cấp tôi phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, hoặc lúc mẹ tôi vừa mất gia đình có rất nhiều việc phải giải quyết. Chưa kể thái độ thù địch, dọa nạt mà họ gây ra với tôi khi yêu cầu tôi phải chấm dứt phong trào Con đường Việt nam dù họ không hề đưa ra được điều luật nào nói phong trào này là phạm pháp. Dù rất căng thẳng nhưng tôi vẫn nhất định từ chối yêu cầu không hợp pháp của họ. Vì thế mà họ giữ tôi lại nhiều lúc đến quá trưa.
Đã đến lúc không thể để cho sự phạm pháp, sai trái khống chế mình. Giờ tôi rất thanh thản và sẵn sàng trở lại nhà tù. Với tôi đó như một cuộc tu luyện. Tôi đã hoàn thành việc hình thành nên một phong trào. Giờ nếu không tôi thì những người bạn tôi và những người ủng hộ sẽ tiếp tục nó để đấu tranh cho quyền con người, quyền công dân và để lấy lại tự do cho những người bị cầm tù sai trái, trong đó có cả tôi. Tôi cũng đã lo được tang bà, tang mẹ nên không có gì phải ray rứt như anh Thức đã phải trải qua khi hay tin mẹ mình ra đi trong tù.
Khi chúng ta cương quyết bảo vệ lẽ phải thì trước sau gì sự sai trái, cường quyền cũng phải lùi bước.
Trên đường về tôi suy nghĩ và nhớ tới những người yêu dân chủ, yêu nước dấn thân bảo vệ quyền con người, đấu tranh vì dân chủ trên đất nước Việt Nam. Tôi thấm thía rằng, để có được những bước tiến như hôm nay thì đã có bao sự hy sinh, trả giá của biết bao nhiêu người đi trước. Những người được biết đến và những người âm thầm. Nhiều người trong số này đã ra đi lặng lẽ, có khi trong đau khổ. Có nhiều người đang còn đây trong lao tù, hoặc đang còn đó ở ngoài nhà giam nhưng tiếp tục bị trói buộc trong vòng nô lệ ngay chính trên quê hương mình. Trong đó có những người bạn thân, đồng đội tôi: Doanh nhân trí thức Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, thạc sỹ Nguyễn TiếnTrung. Trong đó có những người mà tôi yêu quý và khâm phục: Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, hòa thượng Thích Quảng Độ, linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Quốc Quân, các nhà báo tự do Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn, Tạ Phong Tần, tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, luật sư Phạm Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, thầy Lê Quang Liêm, nhạc sỹ Việt Khang, sỹ quan quân đội Trần Anh Kim, nhà đấu tranh dân chủ Vi Đức Hồi, các thanh niên công giáo Vinh - Nghệ An, các nhà đấu tranh vì công nhân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, chị Bùi Minh Hằng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà báo Hoàng Khương, nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, bloggers Huỳnh Thục Vy, Mẹ Nấm, Nguyễn Hoàng Vi, Người Buôn Gió, bà Trần Thị Hài, sinh viên Nguyễn Phương Uyên, v.v… Nhiều lắm không kể hết.
Đã đến lúc phải “phá vòng nô lệ”, một thông điệp treo trên trang mạng thông tin Ba Sàm mà tôi rất thích.
Vâng, chỉ cần tự tin thì chúng ta sẽ phá được vòng nô lệ của cường quyền áp đặt lên mình.
Lê Thăng Long
4/3/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đừng sử dụng thời gian hay ngôn từ bất cẩn. Cả hai thứ đó đều không thể lấy lại