Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Hãy tìm cho mình một chỗ đứng trong dự thảo Hiến pháp


Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội *
 
Là đạo luật về chủ quyền nhân dân, Hiến pháp khẳng định nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, hay nói cách khác quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, do nhân dân trao cho và để phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Theo lý thuyết khế ước xã hội, các quyền tự nhiên của con người chỉ có thể được đảm bảo khi các cá nhân cùng nhau thiết lập một khế ước chung, trong đó quyền lực nhà nước bị giới hạn, các quyền và tự do của con người được ghi nhận và bảo vệ.
Với quan niệm hiến pháp là bản khế ước thì việc xây dựng, soạn thảo hiến pháp phải có sự tham gia của đông đảo nhân dân nhằm đảo bảo chủ quyền nhân dân. Nhân dân có quyền tranh luận, trao đổi, bày tỏ quan điểm, đánh giá về các vấn đề hiến pháp; và quan trọng hơn, những ý kiến, quan điểm của họ được lắng nghe. Mặc dù những điều kiện trên phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh thực tế[1], nhưng sự tham gia của nhân dân trong việc làm hiến pháp cho phép nâng cao tính trung thực của các đánh giá hiến pháp, từ đó có những quy định hiến pháp phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Khái niệm nhân dân ở đây phải được bao hàm rất rộng với nguyên tắc mọi người sinh ra đều bình đẳng. Về vấn đề này, Thomas Paine từng nói[2]: “Hiến pháp không phải là đạo luật của một chính phủ, mà là đạo luật của một dân tộc nhằm cấu thành nên chính phủ..”. Quá trình xây dựng hiến pháp tất yếu diễn ra những tranh luận và thoả hiệp giữa các cá nhân và nhóm công dân nhằm tìm ra cách thức tổ chức nhà nước và quản lý xã hội mang lại nhiều lợi ích tốt nhất cho tất cả mọi chủ thể. Vì thế, có thể coi hiến pháp là một khế ước xã hội, mặc dù trên thực tế điều này không bao giờ chính xác hoàn toàn, bởi rất ít khi tất cả cá nhân và nhóm trong xã hội ở một quốc gia đều có thể tham gia và có vai trò, ảnh hưởng thực sự trong quá trình xây dựng hiến pháp.
Thuật ngữ chủ quyền nhân dân được đề cập vào thế kỷ XVIII bởi J.J.Rousseau, chỉ ý chí chung của cộng đồng xã hội (nhân dân). Theo Rousseau, chủ quyền nhân dân mang tính chất tối cao, không thể từ bỏ và không thể phân chia. Việc chia quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ là biểu hiện bên ngoài, trong một giai đoạn  nhất định của hoạt động của nhà nước. Thực chất, các bộ phận này đều phụ thuộc vào và nhằm thực hiện quyền lực tối cao của nhân dân. Chủ quyền nhân dân là nền tảng cho sự ra đời của nhà nước, vì thế cao hơn, chi phối và là cơ sở bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước.
Hiện nay, tư tưởng về chủ quyền nhân dân đã được thừa nhận rộng rãi ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hiến pháp của các nước, dưới các hình thức khác nhau (nhưng thông thường ở ngay Lời nói đầu), đều khẳng định nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước. Ví dụ, Lời nói đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ 1787 nêu rằng: Chúng tôi nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, với mục đích xây dựng một Liên bang hoàn hảo hơn, thiết lập công lý, duy trì an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng chung, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định thiết lập hiến pháp này cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Hoặc Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định: Được nhân dân trao cho trách nhiệm soạn thảo hiến pháp, Quốc hội nhận thấy hiến pháp cần phải được xây dựng theo các nguyên tắc sau: Đoàn kết toàn dân không phân biệt nòi giống, giàu nghèo, gái trai, tôn giáo; bảo đảm các quyền tự do dân chủ cho nhân dân; kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.
Để thể hiện và bảo vệ chủ quyền nhân dân, thông thường hiến pháp chỉ được thông qua với sự chấp thuận của nhân dân (qua trưng cầu dân ý). Thêm vào đó, hiến pháp thường quy định các nguyên tắc bầu cử (tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín) như là phương thức để nhân dân ủy quyền cho các thiết chế đại diện. Ngoài ra, việc quy định các cơ chế, thiết chế giám sát, kiểm soát quyền lực (giữa các cơ quan nhà nước và giữa nhân dân với nhà nước) trong hiến pháp cũng là những cách thức để bảo đảm quyền lực của nhân dân.
Vì vậy việc thảo luận Hiến pháp mỗi công dân Việt phải tìm được chỗ đứng của mình trong Hiến pháp. Việc không tìm thấy chỗ đứng của mình trong Hiến pháp, thì bản dự thảo Hiến pháp đã khong đạt được nội dung mục đích của nó. Chỗ đứng này phải được thể hiện ở thì hiện tại, không thể là thì tương lai, có những lúc ở nghĩa trừ tượng , nhưng có những lúc buộc phải hiểu ở nghĩa rất cụ thể. Ai là người đã được nêu ra hay đã bị gạt ra ngay từ “vòng gửi xe”. Chỗ đứng đó được thể hiện trọng tâm, tập trung ở các quyền của người dân.
Các quyền đó của con người phải được thể hiện một cách bình đẳng ở mọi lĩnh vực: Chính trị, dân sự, xã hội, kinh tế:
Việc không thừa nhận quyền của con người nào đó, là lẽ đương nhiên của việc tước đoạt quyền của những người đó. Và điều ngược lại rằng, việc chỉ thừa nhận quyền của một tầng lớp nào đó, trong bất kể một lĩnh vực nào dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… cũng ngang bằng với sự tước đoạt quyền của những khác trong các  lĩnh vực tương ứng. Trong khi việc tuyên bố: Mọi người sinh ra đều bình đẳng, thì việc tước đoạt này chỉ có thể có trong hai trường hợp: 1. qua sự bỏ phiếu phổ thông; 2. theo một thủ tục tố tụng được quy định chặt chẽ của họat động xét xử của tư pháp.
Thứ nhất, sự bỏ phiếu phổ thông chỉ có thể diễn ra trong một số trường hợp không rõ ràng đúng sai, theo lẽ tự nhiên, buộc phải lấy số phiếu của đa số làm phương châm cho hành động của con người, mà những người thiểu số không có được số lượng phiếu bầu đồng ý đông như bên đa số phải chấp nhận sự thua cuộc. Như việc bỏ phiếu bầu ra nghị sỹ, hoặc bỏ phiếu bầu ra tổng thống. Ứng cử viên nhận được số phiếu bầu hợp lệ theo quy định của pháp luật sẽ là nghị sỹ hoặc là tổng thống của quốc gia. Cuộc bỏ phiếu này không thể là việc quy định về quyền con người, như Thẩm phán Robert H. Jackson, trong vụ West Virginia Board of Education kiện Barnett (1943) đã chỉ rõ:
Mục đích của Tuyên ngôn nhân quyền là rút bớt một số chủ đề nhất định ra khỏi cuộc tranh cãi chính trị, đặt chúng ra ngoài những đòi hỏi của các nhóm người và quan chức nhà nước và coi chúng là những nguyên tắc pháp lý mà tòa án phải áp dụng. Quyền của con người được sống, tự do, sở hữu, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do ơn ngưỡng và hội họp, và các quyền cơ bản khác không thể là kết quả của việc bỏ phiếu; chúng không phụ thuộc vào bất kỳ cuộc bầu cử nào.
Thứ hai, theo một thủ tục tố tụng, khi có sự tham gia bình đẳng giữa một bên gỡ tội và một bên buộc tội đối với các vụ việc hình sự; giữa một bên nguyên của người nại ra và với bên bị của người bị khiếu nại của vụ việc tranh chấp dân sự, mà cả hai vụ việc này phải có thẩm phán là người trọng tài giữa các bên
Vì những lẽ trên, mọi người khi thảo luận dự thảo, đều có thể tìm thấy sự hiện diện của mình trong dự thảo Hiến pháp, trong bất kể lĩnh vực nào kể cả dân sự, lẫn chính trị, văn hóa, kinh tế xã hội. Việc không tìm thấy mình một cách trực tiếp hoặc giám tiếp trong cách thể hiện của các quy định dự thảo Hiến pháp, chẳng khác nào như đã bị gạt ra ngay ở “vòng gửi xe”. Họ cần phải góp ý ngay, để kịp thời bổ sung cho dự thảo.
9 tháng 3 năm 2013 

[1] Mức độ tham gia của các tầng lớp xã hội trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, trong đó có đánh giá việc thực thi Hiến pháp phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh chính trị tại thời điểm sửa đổi Hiến pháp: chính trị xung đột hay hoà bình, dân chủ hay độc tài, văn hoá chính trị, báo chí và sự phát triển kinh tế…
[2] Thomas Paine (1737-1809) – nhà triết học, nhà cách mạng, người theo trường phái chủ nghĩa tự do cổ điển, một nhân vật nổi bật trong phong trào Khai sáng. Ông là người ủng hộ nhiệt tình cuộc cách mạng giành độc lập của các thuộc địa Mỹ khỏi Đế chế Anh. Những tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm: Common Sense (1776), Rights of Man (1791), The Age of Reason (1794), Agrarian Justice (1795)..

* GS-TS Nguyễn Đăng Dung, hiện tham gia trong BBT trang Cùng viết hiến pháp. Mời đọc thêm một số bài cùng tác giả:  - Tạo hành lang thực hiện “quyền con người” (TT); - GS Nguyễn Đăng Dung: Không nên bỏ HĐND huyện  (HVHC). - Sửa đổi hiến pháp trước hết cần làm gì?  (CVHP). - Những đầu sách của Nguyễn Đăng Dung (VinaBook).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đừng sử dụng thời gian hay ngôn từ bất cẩn. Cả hai thứ đó đều không thể lấy lại